Bài viết liên quan
Hiện nay, bảo mật là một vấn đề quan trọng đối với tất cả người dùng công nghệ. Smartphone không chỉ là công cụ để liên lạc mà còn chứa những thông tin riêng tư quan trọng… như là tài khoản ngân hàng.
Phớt lờ với những rủi ro bảo mật khiến người dùng dễ bị đánh cắp thông tin bất cứ lúc nào. Bạn chỉ cần chú ý những điều dưới đây để bảo vệ tài khoản, máy tính của mình cơ bản nhất!
1. Không bao giờ đổi mật khẩu
Bạn đang sử dụng mật khẩu vô cùng an toàn với những ký tự đặc biệt, những chữ cái và những con số… và bạn nghĩ nó sẽ an toàn suốt đời? Nhưng hiện nay, khi mà các hacker đang sử dụng ngày một nhiều hơn các phần mềm tự động thử mật khẩu của người dùng, nó sẽ thử tất cả những kí tự có thể cho tới khi tìm ra mật khẩu thật của người dùng.
Nhóm bảo mật từ Microsoft khuyên người dùng nên thường xuyên đổi mật khẩu trong khoảng 30 tới 90 ngày để đảm bảo an toàn thông tin.
2. Không dùng biện pháp bảo mật 2 lớp
Các dịch vụ trực tuyến giờ đây đều hỗ trợ cho người dùng khả năng bảo mật 2 lớp. Những hình thức bảo mật này cho phép người dùng theo dõi bất kì thay đổi nào trong tài khoản của mình đồng thời để thay đổi được những tùy chỉnh bên trong tài khoản, người dùng buộc phải xác nhận qua mã bảo mật phụ được gửi.
Tất nhiên, hình thức bảo mật này lấy thêm của người dùng khoảng vài phút mỗi lần tùy chỉnh thế nhưng nó giúp cho tài khoản của người dùng được bảo mặt thêm rất nhiều. Một số tiện ích còn cho phép người dùng xác nhận trong mỗi lần đăng nhập, như vậy kể cả kẻ xấu có mật khẩu của bạn, chúng cũng không thể truy cập để đánh cắp thông tin được.
3. Không quét virus, sử dụng phần mềm bừa bãi
Nếu như máy bạn đã bị nhiễm virus, cho dù bạn có đổi mật khẩu bao nhiêu lần, hacker vẫn có cách để khống chế tài khoản của bạn. Việc quan trọng hàng đầu chính là bảo đảm thiết bị hoàn toàn sạch sẽ, không nhiễm bất kì loại virus, malware hay các phần mềm chứa mã độc nào.
Thêm vào đó, việc lựa chọn ứng dụng cũng cần hết sức cẩn thận. Đối với những người dùng smartphone, bạn có thể theo dõi phản hồi của người dùng trước đó để biết ứng dụng có vấn đề hay không. Với những người dùng máy tính, hãy lựa chọn các phần mềm từ các hãng sản xuất có tên tuổi. Không cài đặt ứng dụng bừa bãi vì chúng có thể ẩn chứa rất nhiều hiểm nguy.
4. Không đăng xuất tài khoản khỏi các thiết bị từng sử dụng
Một ngày nọ, bạn phát hiện ra rằng chiếc điện thoại để trong tủ đã được đăng nhập vào tất cả các tài khoản Internet và chiếc điện thoại này đã được nhiều người khác nhau sử dụng chứ không chỉ riêng bạn. Khi đó bạn sẽ làm gì? Việc đầu tiên là đổi toàn bộ mật khẩu các tài khoản liên quan, sau đó đăng xuất tất cả những tài khoản trên chiếc điện thoại nói trên.
Đây là việc cần làm với những người dùng sử dụng nhiều thiết bị, khi không sử dụng thiết bị thường xuyên, hãy đăng xuất tất cả các tài khoản khác nhau nhằm đề phòng thông tin bên trong vô tình bị rò rỉ.
Thêm vào đó, để đơn giản hóa vấn đề, các bạn có thể sử dụng tiện ích theo dõi tài khoản trực tuyến của một số dịch vụ. Từ đó kiểm tra được đâu là những thiết bị chưa được đăng xuất để có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Sử dụng 1 mật khẩu cho tất cả các tài khoản
Không chỉ sử dụng mật khẩu quá đơn giản, nhiều người còn sử dụng chung một loại mật khẩu cho tất cả các tài khoản. Khi đó, nếu hacker đã chiếm được một tài khoản, chẳng bao lâu sau toàn bộ những tài khoản còn lại của bạn cũng sẽ bị đánh cắp!
Bạn có thể thay đổi nhỏ những kí tự hoặc thêm số cho mỗi mật khẩu ở các tài khoản khác nhau sau đó sử dụng khả năng ghi nhớ hay đơn giản là một cuốn sổ nhỏ để ghi lại hành trình mật khẩu được thay đổi trên Internet.
Theo MASK Online
Bình Luận